Phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng trong năm 2024

 26/03/2024

(binhthuan.gov.vn) Trong năm 2024, Cục Thuế tỉnh được giao dự toán tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 10.000 tỷ đồng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, ngành thuế đã tập trung triển khai thực hiện.

Nhìn lại năm 2023, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo đà cho doanh nghiệp, người dân khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước nhà nước. Đối với tỉnh Bình Thuận, song song với sự phục hồi chung của nền kinh tế, việc đăng cai sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận – Hội tụ xanh” và 02 tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam được thông tuyến… đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh tăng 8,1% so với năm 2022.

Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà, toàn ngành Thuế đã tập trung quyết liệt triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách như: Chủ động phân tích, đánh giá cũng như tìm kiếm giải pháp cụ thể để tập trung thu ngân sách; chủ động tham mưu các kịch bản điều hành thu, tập trung rà soát, xác định những nguồn thu còn tiềm năng, nguồn thu còn dư địa nhằm bù đắp các khoản có thể hụt thu trong năm… Nhờ vậy, tổng thu ngân sách nội địa năm 2023 đạt 108,8% dự toán. Có 11/18 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành và vượt dự toán; 10/10 huyện, thị xã thành phố hoàn thành vượt mức dự toán được giao.

Tuy nhiên, đánh giá một cách đầy đủ, công tác thu ngân sách của tỉnh trong năm 2023 vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải được khắc phục. Theo thông tin được Cục Thuế tỉnh công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2023, thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 104,20 % dự toán năm (10.424 tỷ đồng) nhưng so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 94,03 %; trong đó thu nội địa đạt 108,80 % dự toán năm (9.362 tỷ đồng) nhưng chỉ bằng 92,80% so với cùng kỳ.

Nền kinh tế tư nhân phát triển và nhiều dự án công nghiệp là cơ sở để tạo ra nguồn thu ổn định

Mặt khác, cơ cấu nguồn thu của tỉnh còn chưa ổn định. Trong những năm gần đây nguồn thu của tỉnh Bình Thuận tăng chủ yếu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Do đó, khi thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động đấu giá đất, giao đất, giải phóng mặt bằng tục bị ngưng trệ đã khiến các khoản thu liên quan đến bất động sản giảm sâu so với cùng kỳ (giảm 1.114 tỷ đồng). Nguồn thu dư địa năm trước chuyển sang của các nhà máy điện giảm sâu; các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí làm tác động làm sụt giảm một số khoản thu so cùng kỳ năm 2022…

Trong năm 2024, Cục Thuế tỉnh được giao dự toán tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 10.000 tỷ đồng, trong đó dự toán thu nội địa là 9.005 tỷ đồng. Ngay từ tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2024.

Theo đó, toàn ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá phân tích cụ thể từng từng địa bàn, từng khu vực, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời. Rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp thu hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đặc biệt các chính sách mới.

Đối với công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế, ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi nợ thuế theo quy định, trong năm nay ngành thuế tập trung các giải pháp: xây dựng, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2024, hàng tháng, hàng quý; kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, địa phương thu hồi nợ đọng thuế. Đôn đốc thu nợ đối với khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn. Tập trung rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan chức năng.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu trong công tác quản lý thuế, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử, số hóa các khâu trong quản lý thuế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử... hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ cũng như được hưởng quyền lợi về thuế. Triển khai hiệu quả hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đặc biệt là tập trung triển khai hoá đơn điện tử đối với bán lẻ xăng dầu, góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách.

Việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để tỉnh Bình Thuận hướng đến mục tiêu tự chủ ngân sách trong thời gian sớm nhất./.

Hữu Tri